Trường cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị
Trường cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị

Đưa lớp học nghề về tận thôn bản

Thứ ba - 30/08/2022 03:05
(QTO) - Chú trọng công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, từ tháng 5/2020, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Gio Linh truyền thông phân luồng cho học sinh trong độ tuổi từ 15 đến 21 trên địa bàn xã Linh Trường nhằm dạy nghề cho các em.
Giáo viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị hướng dẫn thủ tục đăng ký tham gia học nghề cho học sinh tại xã Linh Trường, Gio Linh - Ảnh: T.L
Giáo viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị hướng dẫn thủ tục đăng ký tham gia học nghề cho học sinh tại xã Linh Trường, Gio Linh - Ảnh: T.L

Giữa tháng 6/2021, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Gio Linh tổ chức truyền thông phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS tại xã Linh Trường để mở thêm lớp đào tạo nghề cho học sinh tại địa phương này. Công tác tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký tham gia học nghề được thực hiện có sự tham gia của phụ huynh và học sinh. Cán bộ, giáo viên Phòng Tuyển sinh, Giới thiệu việc làm của trường đã tư vấn kỹ lưỡng, chi tiết những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp, lợi ích và định hướng nghề nghiệp cho học sinh và phụ huynh, nhằm giúp các em yên tâm về học tập và việc làm sau tốt nghiệp.

Em Hồ Thị Trinh (sinh năm 2001), ở thôn Cu Đinh, xã Linh Trường, ngay trong buổi tham gia tư vấn nghề đã quyết định chọn được nghề cần học phù hợp với mình. “Em muốn học nghề may công nghiệp để có việc làm và thu nhập. Sau khi tích lũy được tiền từ nghề may, có điều kiện thuận lợi, em sẽ vay thêm tiền để đi xuất khẩu lao động, kiếm được tiền nhiều hơn về phụ giúp gia đình. Phần còn lại sau này để lo cho gia đình riêng của mình”, Hồ Thị Trinh chia sẻ. Không riêng Trinh, nhiều phụ huynh và học sinh đã rất quan tâm đến những thông tin nghề nghiệp tại buổi tư vấn, sẵn sàng điền thông tin vào các phiếu đăng ký học nghề. Kết thúc các buổi truyền thông, phân luồng tại địa bàn xã, đã có nhiều em đăng ký tham gia học các nghề như chăn nuôi- thú y, hàn, điện công nghiệp, nấu ăn, may công nghiệp.

Theo thông tin từ Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị, từ tháng 5/2020 trường phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Gio Linh thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đưa mô hình đào tạo nghề về tận thôn bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh theo học nghề, giảm tỉ lệ thất nghiệp và góp phần thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đây là một cách làm mới của Trường Trung cấp Nông nghiệp và PTNT (trước đây), kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại trường và tại địa phương để đưa những kiến thức học được ở trường về cụ thể hóa ở địa phương.

Cô giáo Trần Thị Quỳnh Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp trung cấp nghề chăn nuôi - thú y năm thứ hai hệ chính quy với hơn 30 em học viên được mở tại xã Linh Trường cho biết, hầu hết học viên là người dân tộc Vân Kiều. Các em đã tốt nghiệp THCS, không học tiếp THPT. Đa số là con em hộ nghèo, được hưởng chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và khoảng 70% học sinh được hưởng chế độ nội trú theo Quyết định 53/2015/ QĐ-TTg quy định về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp; số học sinh còn lại được huyện Gio Linh hỗ trợ một phần kinh phí học tập. Ngoài ra, quỹ khuyến học của trường và học bổng của các công ty, doanh nghiệp cũng luôn đồng hành với học sinh của nhà trường. Song song với việc đào tạo nghề, trường còn liên kết với Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho học sinh sau khi ra trường. Học sinh học lớp nghề này được thực tập tại công ty, trong quá trình thực tập công ty hỗ trợ kinh phí từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng/em, miễn phí ăn, ở và tiếp tục được tuyển dụng sau khi ra trường.

Em Hồ Thị Mông Vương (21 tuổi), ở thôn Ba De, xã Linh Trường là học viên lớp trung cấp nghề chăn nuôi - thú y nói trên cho biết, sau hai năm vào Đà Nẵng kiếm việc, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em về nhà để trực tiếp lao động tại địa phương lại có cơ hội sớm hôm gần bố mẹ. Ngay khi biết có lớp dạy nghề tại quê nhà, được bố mẹ động viên, em liền theo học từ cuối tháng 5/2020. Nhờ có lớp học thuận lợi, có giáo viên từ thành phố chịu khó lên tận thôn bản dạy học, mỗi lần về trường học thì được xe nhà trường đưa đón, ký túc xá khang trang nên học viên trong lớp phấn khởi đi học. Những tiết thực hành học viên được học tại cơ sở 2 của trường tại xã Gio Quang với nhiều thiết bị dạy học hiện đại, đầy đủ. Vương chọn học nghề chăn nuôi - thú y vì em nhận thấy phù hợp với bản thân và điều kiện địa phương nơi em đang sinh sống. “Học với các thầy, cô giáo Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị, chúng em không những được dạy dỗ tận tình về nghề nghiệp mà còn về ứng xử trong cuộc sống. Bên cạnh đó, nhà trường đã quan tâm tạo nhiều điều kiện cho học sinh về ký túc xá, các chính sách về học phí kịp thời; môi trường học tập của nhà trường khá tốt đối với chúng em,” Hồ Thị Mông Vương cho biết.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị Lê Thiên Vinh cho biết, hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số là việc làm khó khăn nhưng rất ý nghĩa. Vì thế, nhà trường luôn quan tâm, nỗ lực làm tốt công tác này để trao cơ hội tiếp tục học nghề cho học sinh, tránh thiệt thòi cho các em, nhằm tạo nguồn lao động có tay nghề, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Trong quá trình đào tạo nghề, các em cũng nhận được rất nhiều sự đãi ngộ về học bổng, miễn học phí, chỗ ở và nhiều chế độ khác. Đây là một hướng đi hợp lý, phù hợp với điều kiện của học sinh, với tinh thần lấy học sinh làm trung tâm, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị tiếp tục phát huy cách làm hiệu quả này.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đăng ký trực tuyến
188/9 Thành Thái , P.12, Q.10, TP.HCM - Code: 700000

Tọa Độ: 10.770284, 106.666024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây